Thương hiệu ngoại bành trướng

Thông tin mới đây từ báo South China Morning Post (Hồng Kông) cho biết từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, loạt thương hiệu thời trang quốc tế như Uniqlo, Levi’s, Crocs, Ralph Lauren, Calvin Klein và Tommy Hilfiger đã đồng loạt chuyển toàn bộ cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc. Nhưng ngay cả trước khi thương chiến xảy ra, chi phí lao động tăng cao và sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp (DN) Trung Quốc và nước ngoài ngày càng rõ rệt đã khiến các công ty cảm thấy "mệt mỏi". Tờ báo này nhận định, đối với bất kỳ thương hiệu thời trang nào quan tâm đến thuế quan, lựa chọn duy nhất là chuyển sản xuất ra nước ngoài, và một số quốc gia châu Á đang tỏ ra rất hấp dẫn. Trong đó, Việt Nam là một lựa chọn hợp lý cho các DN.

Thương hiệu thời trang ngoại “bành trướng” tại Việt Nam

Thương hiệu thời trang ngoại “bành trướng” tại Việt Nam

Thực tế, thị trường thời trang trong nước mấy năm nay sôi động với sự góp mặt của hàng loạt ông lớn trên thế giới. Mới nhất, Tập đoàn bán lẻ thời trang toàn cầu Uniqlo đã chính thức công bố địa điểm cửa hàng đầu tiên và dự kiến mở cửa vào tháng 12/2019 tại trung tâm Q.1, TP.HCM. Cách đây một năm, tập đoàn này đã thành lập Công ty Uniqlo Việt Nam dưới hình thức liên doanh 100% vốn nước ngoài. Trước đó, H&M công bố doanh thu năm 2018 của hãng đạt hơn 763 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với năm đầu tiên có mặt. Thế nên sau hơn 2 năm chính thức vào Việt Nam, cuối tháng 8 vừa qua, H&M tiếp tục khai trương cửa hàng thứ tư tại TP.HCM và là cửa hàng thứ 7 trên toàn quốc.

Đến sớm hơn, sự kiện Zara vào Việt Nam hơn 3 năm trước thu hút hàng ngàn khách hàng trong ngày đầu tiên với doanh số kỷ lục 5,5 tỷ đồng vẫn luôn được nhắc đến. Theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, dù chỉ với hai cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM nhưng doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2017 và gấp gần 4 lần thị trường Thái Lan của chính thương hiệu này. Tổng cộng trong 3 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, Zara thu về gần 3.100 tỷ đồng, với biên lợi nhuận gộp bình quân hằng năm khoảng 40%. Với sự thành công này, từ năm 2017 Tập đoàn Mitra Adiperkasa - đơn vị phân phối thương hiệu Zara tại Việt Nam - còn đưa vào thị trường thêm ba thương hiệu thời trang khác gồm Massimo Dutti, Pull & Bear và Stradivarius...

Thời trang nội mất hút

Đáng nói là trong khi các thương hiệu ngoại gặt hái doanh thu khủng thì thời trang nội ngày càng mất hút. Mới đây, chuỗi bán lẻ giày dép túi xách Vascara chính thức “bán mình” cho nhà bán lẻ thời trang Nhật Bản Stripe International sau hơn 10 năm ra đời và xây dựng được 134 cửa hàng trên toàn quốc. Đây cũng là đơn vị đã mua cổ phần để nắm quyền chi phối ở Công ty thời trang NEM vào năm 2017. Cuối năm 2018, chuỗi Elise Fashion, thương hiệu thời trang dành cho giới văn phòng của Việt Nam ra đời từ năm 2011 cũng nhận đầu tư từ đối tác Nhật Bản. Một số thương hiệu Việt đã từng ra đời rồi âm thầm đóng cửa hoặc thu hẹp phần lớn như Foci, Blue Exchange, NinoMax...

Ông Lê Viết Thanh - Tổng giám đốc chuỗi cửa hàng thời trang K&K cũng thừa nhận thời trang thương hiệu Việt (được hiểu như các đơn vị có hệ thống thiết kế, sản xuất và phân phối) đã bị cạnh tranh khốc liệt khi làn sóng thương hiệu ngoại tham gia mạnh hơn gần đây. Các thương hiệu Việt trở nên co cụm và đi xuống rất rõ.

Ông Robert Trần - Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương nhận xét Việt Nam từng có nhiều thương hiệu thời trang mang tính cổ điển nhưng rất đẹp, đường kim mũi chỉ không thua kém các hãng thời trang nổi tiếng thế giới, đặc biệt thời trang veston cho nam. Thế nên, không ít khách nước ngoài du lịch Việt Nam tìm đến các tiệm may veston nổi tiếng tại Việt Nam có lịch sử ba bốn chục năm để đặt may. Tương tự, khách nước ngoài là nữ cũng chọn may tại Hội An hay Hà Nội vì cho rằng, thợ may tại Việt Nam may kỹ, chăm chút và “có tâm” với sản phẩm.
“Tính cách của người Việt là cần cù, tỷ mỉ và chịu khó, rất phù hợp những nghề đòi hỏi tính tỷ mẩn như thời trang. Tiếc là Việt Nam đã không xây dựng được ngành công nghiệp thời trang như kỳ vọng. Nguyên nhân do ngành dệt may quá tập trung vào gia công, làm những đơn hàng lớn, cạnh tranh xuất khẩu bằng việc thu tiền công chứ không đầu tư mạnh về thiết kế thời trang khiến cụm từ công nghệ thời trang lâu dần bị lãng quên”, ông Robert Trần nhận xét.
“Các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... đều có các nhãn hàng thời trang nội địa. Trong khi khách quốc tế đến Việt Nam rất khó tìm thấy được nhãn hàng thời trang Việt thực sự, ngoài các sản phẩm truyền thống như áo dài đi đâu cũng có thể mua được với giá trung bình”, ông Robert Trần bình luận.

Theo ước tính, hiện đã có hơn 200 thương hiệu thời trang ngoại tại Việt Nam, phủ sóng từ cao cấp đến trung bình như CK, Gucci, Ralph Lauren, Karen Millen, Warehouse, Mango, Gap, Topshop... Các thương hiệu thời trang ngoại đã chiếm phần lớn “miếng bánh” thị trường tiêu dùng này của Việt Nam trị giá khoảng 5 - 6 tỷ USD.

  • Tin tức & sự kiện
  • 07/11/2019
  • Lượt xem: 2682
Báo giá