Hiện nay trên thị trường may mặc có rất nhiều các loại sợi khác khác nhau với tính chất và giá thành mỗi loại cũng rất đa dạng. Như chúng ta đã biết, mỗi loại sợi đều có những tính chất rất đặc trưng và có thể không dễ dàng để nhận biết. Vì vậy, chúng ta nên biết những cách phân biệt về chất liệu vải sợi trong dệt may để lựa chọn được chất liệu vải sợi phù hợp với nhu cầu đặt may các loại quần áo thời trang. 

Là đơn vị chuyên sản xuất các loại bo cổ áo, bo tay và bo lai  từ các loại sợi như Cotton, PE, TC, CVC, poly… dùng cho các loại quần áo thời trang, Ngô Gia Phát sẽ gửi đến bạn những thông tin cơ bản về các loại sợi trong dệt may và cách phân biệt chúng. 

  1. Sợi Cotton

Vải cotton xuất phát chính từ vải sợi bông. Đây là chất liệu được dùng phổ biến nhất trong ngành may mặc hiện nay vì phù hợp với mọi vóc dáng, thích nghi tốt trong tất cả các môi trường thời tiết.

  • Ưu điểm

Sợi cotton có tính năng hút ẩm cao, thấm hút mồ hôi rất tốt (có thể thấm nước đến 65% so với trọng lượng). Chính vì thế, các loại vải được dệt bằng sợi cotton khi sử dụng rất thoáng mát, dễ chịu, thích hợp với khí hậu nhiệt đới hay các loại trang phục mùa hè.
Ngoài ra, sợi cotton thân thiện với hầu hết các loại da, không gây cảm giác ngứa và tạo ra các nguy cơ dị ứng. Đây cũng chính là lý do của việc sợi cotton trở thành nguyên liệu quan trọng trong ngành dệt may.

  • Nhược điểm

Những sản phẩm từ sợi cotton dễ bị co rút, nhăn nhàu nên phải ủi nhiều lần để giữ tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, sản phẩm khi ủi xong gặp khó khăn trong việc giữ nếp. Sợi cotton còn có một nhược điểm nữa chính là tính dễ dễ bám bẩn. Sợi này có khuynh hướng dính bẩn và dính dầu mỡ, giặt khó sạch. Ngoài ra độ bền của sợi cotton không cao, dễ chảy xệ hoặc bị kéo giãn, dễ bị mục do vi khuẩn, nấm mốc xâm hại.

  • Cách phân biệt

Khi đốt sợi cotton, sợi vải sẽ cháy nhanh và có mùi như giấy cháy, tàn tro trắng mủn nhanh.  Sợi bông dễ cháy nhưng có thể nấu trong nước sôi để tiệt trùng. Với tính hút ẩm cao của mình, khi đổ nước lên sợi cotton, sợi sẽ rất hút nước, chỗ ướt loang rộng rất nhanh.
Nếu bạn chịu khó quan sát bạn sẽ thấy vải cotton rất dễ gấp nếp nên cũng dễ bị nhăn theo nếp. Nếu dùng tay sờ vào mẫu vải cotton bạn cũng sẽ cảm nhận được sự mềm mại nhưng không rũ, không lạnh.
Trong ngành may mặc và chế biến, người ta thường phân biệt các loại bông trước tiên theo chiều dài của sợi, sau đó đến mùi, màu và độ sạch của cuộn sợi. Sợi bông càng dài thì càng có chất lượng cao.


2. Sợi PE (Polyester)
Nguyên liệu ban đầu chính là than đá, dầu mỏ, khí đốt. Polyester là một loại sợi tổng hợp với thành phần cấu tạo đặc trưng là ethylene (nguồn gốc từ dầu mỏ). Quá trình hóa học tạo ra các polyester hoàn chỉnh được gọi là quá trình trùng hợp. PE là viết tắt của Polyester. Tuy nhiên do cách kéo sợi khác nhau, thị trường Việt Nam quy ước là sợi PE (xơ ngắn) và Sợi Polyester (xơ dài).

  • Sợi PE: là loại sợi xơ ngắn. Khi sản xuất loại sợi này, người ta đã cắt nhỏ các filament polyester rồi se lại. Chính vì thế, về mặt ngoại quan, sợi PE nhìn tương tự như sợi cotton, TC, CVC (thuộc dòng sợi xơ ngắn). Để giảm giá thành sản phẩm, người ta có thể sử dụng loại sợi PE để sản xuất thay cho sợi Cotton, CVC, TC. Tuy nhiên, sợi PE không có tính thấm hút tốt như các dòng sợi có cotton hoặc có pha cotton. Mặc khác nó cũng dễ bị xù lông do đặc tính của sợi xơ ngắn và không bóng như sợi Polyester
  • Sợi Polyester: được se lại từ nhiều sợi filament dài, thuộc loại sợi xơ dài. Sản phẩm dệt lên không bị xù lông, có độ bóng nhất định, bền màu, giữ nếp tốt, tính thấm hút mồ hôi kém. Thường được sử dụng trong các thời trang thể thao. Đa số sản phẩm của các thương hiệu thời trang thể thao nổi tiếng trên thế giới như Adidas, Nike đều sử dụng loại vải chất liệu polyester này.

  • Ưu điểm

Sợi PE có độ bền rất cao, không bị nấm mốc phá hủy. Sợi rất bền với ánh sáng và nhiệt độ cao, độ định hình cao, không bị co, không chảy xệ, giữ được form quần áo rất tốt. Chính nhờ tính năng này, những sản phẩm làm từ sợi PE dễ ủi, định hình và giữ nếp rất lâu, không bị mất đi sau khi giặt.
Ngoài ra, Polyester có khả năng hấp thụ thấp. Nhờ vậy, loại sợi này có thể tự chống lại các vết bẩn một cách tự nhiên. Sản phẩm từ sợi PE không bị co khi giặt, chống nhăn và chống kéo dãn. Sợi PE nhuộm màu rất dễ dàng nên có nhiều sự lựa chọn về màu sắc với các sản phẩm từ sợi PE.

  • Nhược điểm

Chính vì tính chất hấp thụ thấp của sợi PE nên các sản phẩm được dệt từ sợi sẽ có khả năng hút ẩm kém, gây cảm giác nóng khi sử dụng. Vì thế, những ai có cơ địa dễ thoát mồ hôi nên hạn chế các sản phẩm từ sợi PE.
Nếu bạn muốn sản phẩm có độ bền màu cao, không cần ủi nhiều thì nên chọn dùng loại Poly. Bên cạnh đó, người ta thường dệt tổ ong để thoáng khí trong quá trình sử dụng và cho hồ vào dung dịch nhuộm để thấm hút mồ hôi.

 

  • Cách phân biệt

Các loại vải được dệt từ sợi PE sẽ có bề mặt bóng. Sợi PE khi bị đốt sẽ có phản ứng cháy chậm, có mùi khét của nhựa cháy. Khi sợi bị đốt hoàn toàn sẽ bị vón cục cứng, bóp không vỡ, không có tro.

3. Sợi TC
Sợi TC là loại sợi pha giữa sợi polyester và cotton. Trong đó thành phần polyester chiếm trên 50%. Việc lựa chọn tỷ lệ của từng thành phần trong sợi sẽ tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng.
Vì thành phần của sợi TC bao gồm cotton và Polyester nên sợi mang trên mình đầy đủ các tính chất của 2 loại sợi cấu thành lên nó là sợi cotton và sợi Polyester.

 

  • Ưu điểm

Sợi TC có đặc tính dễ chịu khi tiếp xúc với da người, dễ là phẳng, giặt dễ sạch và chóng khô. Tính thấm hút cao nhờ thừa hưởng khả năng thấm hút khá tốt từ chất liệu cotton. Tính thẩm mỹ cao nhờ kết hợp giữa 2 chất liệu cao cấp. Chính vì thế, các sản phẩm từ sợi TC vừa có độ mềm mịn của Cotton lại vừa có độ bóng khỏe của polyester.

  • Nhược điểm

Chúng ta không thể phủ nhận những ưu điểm mà sợi TC mang lại. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng thấm hút và thoáng mát của các loại vải từ sợi TC lại không thể hoàn hảo như sợi vải cotton 100%.

  • Cách phân biệt

Việc nhận biết sợi TC vô cùng đơn giản. Khi đốt, loại sợi này sẽ cho ngọn lửa cháy rất yếu và lượng tro thường vón thành cục lớn.

4. Sợi CVC (Chief Value of Cotton)
Sợi CVC là loại sợi pha giữa sợi polyester và cotton. Ngược lại với sợi TC, sợi CVC có thành phần chính là cotton. Sợi CVC mang tính chất của cả hai loại sợi cấu thành nên nó là sợi cotton và PE.

  • Ưu điểm

Do thành phần có lượng cotton cao nên sợi CVC khi sử dụng cho cảm giác dễ chịu, dễ thấm mồ hôi khi tiếp xúc da người.

  • Nhược điểm

Mặc dù sợi CVC có khả năng thấm hút mồ hôi nhưng không được thoáng mát và thấm mồ hôi tốt như vải 100% cotton vì đã được pha thêm sợi nhân tạo.

  • Cách phân biệt

Ngược lại với sợi TC, vải làm từ sợi CVC khi đốt cháy nhanh, tàn tro có vón thành cục nhỏ. Ngoài ra, khi dệt bo, nhằm tăng tính co giãn 2 chiều cho sản phẩm để phù với mục đích sử dụng, khách hàng có thể yêu cầu pha thêm sợi Spandex (tỉ lệ spandex thường gặp khoảng 3 - 5%) trong quá trình dệt.

Vừa rồi là những thông tin cơ bản về các loại sợi thông dụng trong dệt may. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất các loại bo cổ áo, bo tay và bo lai, Công ty TNHH Ngô Gia Phát sẵn sàng tư vấn cho Quý khách trong việc lựa chọn chất liệu dệt sao cho phù hợp với ngân sách, mục đích sử dụng,... 


Vui lòng liên hệ với đội ngũ của chúng tôi để được tư vấn và phục vụ chu đáo!
---
CÔNG TY TNHH NGÔ GIA PHÁT

  • Địa chỉ: 102/44 Bình Long, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú, TP. HCM
  • Điện thoại: (84) 028 3735 5773
  • Hotline: 0982 024 260 (Mr. Quang) - 0909 310 107 (Ms. Trâm)
  • Email: ngogiaphat.vn@gmail.com
  • Website: www.detboco.vn - www.collarscuffs.com - ngogiaphatknitting.com
  • Xưởng sản xuất: 59A Đường số 129, Ấp 12, Xã Tân Thạnh Đông, H. Củ Chi, TP. HCM
  • Tin tức & sự kiện
  • 19/03/2020
  • Lượt xem: 4742
Báo giá